Ngành nhân lực Việt Nam đã có bước chuyển đổi quan trọng trong năm 2018. Nhu cầu nhân sự cao cấp và cấp quản lý tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong ngành chế tạo, công nghệ thông tin và ngân hàng.
Nhân lực Việt Nam phải trau dồi để bắt kịp nhu cầu của nền kinh tế
Năm 2018 đánh dấu mức tăng trưởng GDP cao nhất của Việt Nam trong một thập kỷ qua: 7,08%. Theo World Bank Doing Business 2018, môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 69/190 quốc gia, tăng 13 bậc trong những năm gần đây. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung giúp Việt Nam trở thành điểm nóng của nhiều tập đoàn lớn với kế hoạch xây dựng lại chuỗi cung ứng. Tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu công nghiệp và kinh tế đạt hơn 8,3 tỷ USD, báo hiệu năm 2019 sôi động. Những điều kiện thuận lợi trên tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động nói riêng.
“Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2019. Nhân sự cao cấp với khả năng quản lý sẽ trở thành vật báu của doanh nghiệp, với gói lương bổng và đài thọ tăng từ 10 – 20%. Tuy vậy, phần lớn nhân lực Việt Nam, dù rất chăm chỉ và có tinh thần khởi nghiệp, chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Người lao động cần liên tục trau dồi kỹ năng và kiến thức để có thể bắt kịp với nhu cầu của nền kinh tế”, ông Andree Mangels – Tổng giám đốc Adecco Việt Nam nhận định.
Với sự tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sự phát triển mạnh mẽ của blockchain, AI và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, 2019 là một năm đầy hứng khởi của thị trường lao động Việt Nam.
Nhiều ngành nghề đang “khát” nhân sự cao cấp
Trên thực tế, những ứng viên có kinh nghiệm và trình độ cao tiếp tục được săn lùng gắt gao, không chỉ trong ngành chế tạo, mà còn từ các tổ chức tìm kiếm HRBP – đối tác kinh doanh nhân sự. Sự thành lập của nhiều chuỗi cung ứng mới cũng đẩy nhu cầu cho chuyên gia kỹ thuật (technical specialist) và trưởng phòng vận hành (operational leader) lên cao.
Sự hiện diện của top 4 công ty luật Nhật Bản (Anderson Mōri & Tomotsune, Mori Hamada & Matsumoto, Nagashima Ohno & Tsunematsu và Nishimura & Asahi) và top 6 công ty luật Hàn Quốc (Kim & Chang; Bae, Kim & Lee; Lee & Ko; Yulchon; Shin & Kim và Yoon & Yang) tại thị trường Việt Nam báo hiệu một năm sôi động của ngành pháp lý. Luật sư cấp cao (với mức lương tăng 20%) và đối tác kinh doanh pháp lý (legal business partner) tiếp tục duy trì độ nóng của mình trong bản đồ tuyển dụng năm 2019.
Công nghệ tài chính (fintech), blockchain và AI tiếp tục là xu hướng của ngành công nghệ thông tin trong năm 2019. Mức lương của kỹ sư Python, Net, Java và phần mềm (blockchain) sẽ tăng từ 10 – 20%, thể hiện nỗ lực thu hút người tài của các công ty công nghệ.
Top 10 vị trí nổi bật năm 2019, với mức lương hằng tháng trước thuế trong năm 2018 và 2019. Nguồn: Tài liệu Hướng dẫn Lương Adecco Việt Nam 2019 |
Ngành dịch vụ tài chính cũng có sự chuyển dịch rõ rệt về nhân lực. Theo Dự báo Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong năm 2019, 76,7% tổ chức tín dụng dự kiến sẽ tăng thêm nhân lực, tập trung vào bộ phận phụ trách dịch vụ ngân hàng. Vị trí trưởng phòng chăm sóc khách hàng chuỗi bán lẻ (retails relationship manager) và agency development manager được săn đón gắt gao bởi ngân hàng và các công ty bảo hiểm, với gói phúc lợi và cơ hội thăng tiến hấp dẫn.
Nguồn: Tài liệu Hướng dẫn Lương Adecco Việt Nam 2019 |
Với nỗ lực thu hút và duy trì nhân tài, doanh nghiệp sẽ chi mạnh hơn trong gói lương bổng và phúc lợi. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực sẵn có cũng như giới thiệu văn hóa công ty để thu hút người mới cũng sẽ được đẩy mạnh. Tuy vậy, với nhân sự cao cấp có nhu cầu tìm kiếm những cơ hội trong quản lý nhân tài và hợp tác kinh doanh, vị trí đối tác kinh doanh (business partner) sẽ được nhắm đến nhiều nhất.
BÍCH TRÂM