Hãng xếp hãng tín nhiệm đánh giá hầu hết ngân hàng Việt đều thiếu vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa ra báo cáo cập nhật về lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam.
Trong báo cáo này, hãng đánh giá hầu ngân hàng Việt sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Basel II, chuẩn bị có hiệu lực từ năm 2020. Việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ là tâm điểm chú ý trong năm 2019, bởi thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phát triển.
“Mặc dù sức khỏe tài chính đã được cải thiện, sự cạnh tranh gay gắt để thu hút các khoản đầu tư tư nhân sẽ khiến các ngân hàng khó khăn hơn trong việc tăng vốn năm 2019”, Moody’s đánh giá.
Đánh giá về khả năng sinh lời và tăng trưởng tín dụng, Moody’s cho rằng các ngân hàng Việt Nam trong danh sách theo dõi đã có khả năng sinh lời cao hơn nhờ chênh lệch lãi suất và chi phí tín dụng thấp hơn. Các ngân hàng mà Moody’s theo dõi có tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản cao hơn trong hai năm gần đây, từ mức 0,9% năm 2017 lên 1,1% năm 2018. Thu nhập ròng của các nhà băng này tăng 35% lên 70.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 3 tỷ USD) năm 2018, mặc dù có sự điều chỉnh về tăng trưởng tín dụng.
“Trong năm 2019, các ngân hàng Việt Nam được xếp hạng sẽ tiếp tục cải thiện khả năng sinh lời nhờ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động ngày càng lớn và chi phí tín dụng thấp hơn”, Rebaca Tan, chuyên viên phân tích của Moody’s cho biết.
Việc tăng vốn, đặc biệt với nhóm ngân hàng quốc doanh, đang là bài toán khó cần lời giải. Vietcombank là trường hợp hiếm hoi mới đây đã phát hành thành công cho cổ đông ngoại, tuy nhiên ngân hàng này mới thực hiện chưa tới 1/3 lộ trình đã đặt ra. Được thông qua phương án tăng vốn thêm 10%, song đợt phát hành gần nhất Vietcombank mới sử dụng “quota” 3%. Hai trường hợp còn lại là VietinBank và BIDV vẫn chưa thể tăng vốn dù nhiều năm liền đề xuất các phương án.
Trước đó trong báo cáo tháng 9/2018, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thiếu hụt vốn trầm trọng, khoảng 20 tỷ USD (tương đương 9% GDP) để đáp ứng việc triển khai tiêu chuẩn Basel II, dự kiến sẽ áp dụng từ 1/1/2020.
Theo Fitch, các ngân hàng có thể đẩy mạnh phát hành tăng vốn, điều này có thể cải thiện hồ sơ tín dụng của các ngân hàng được xếp hạng nếu tăng vốn thành công. Tuy nhiên, thị trường vốn trong nước thiếu chiều sâu có thể là rào cản cho việc này, đặc biệt khi một số ngân hàng có sở hữu nước ngoài đã gần tới mức giới hạn.
Minh Sơn