Quỹ Di sản đã công bố báo cáo Chỉ số Tự do kinh tế 2019, trong đó Việt Nam đạt 55,3 điểm và xếp hạng thứ 128 trên thế giới.

Điểm số của Việt Nam được cải thiện thêm 2,2 điểm nhờ các hạng mục: tình hình ngân sách, tự do đầu tư, môi trường tư pháp. Tuy nhiên, hạng mục tự do tiền tệ đã bị giảm điểm so với năm 2018.

 

Báo cáo Tự do Kinh tế 2019: Nỗ lực tự do hóa thương mại và môi trường đầu tư, thứ hạng của Việt Nam tăng 13 bậc - Ảnh 1.

 

Báo cáo của Quỹ di sản nhận xét: “Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ kỷ lục trên 7% trong năm 2018. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng toàn cầu mới, tác động bởi chiến tranh thương mại. Để tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam sẽ cần cải cách các doanh nghiệp nhà nước, gỡ bỏ các quy định cứng nhắc, tăng tính minh bạch của khu vực doanh nghiệp và tăng cường việc công nhận quyền sở hữu tư nhân. Điều chỉnh các thể chế để làm cho chế độ điều tiết hiệu quả hơn, thu hẹp bộ máy quan liêu và làm cho nền kinh tế minh bạch hơn. Củng cố hệ thống tư pháp cũng sẽ thúc đẩy tự do kinh tế”.

Cụ thể trong bản báo cáo ta thấy chỉ số Tự do kinh doanh (Business Freedom) tăng 0,3 điểm. Việt Nam đã và đang chuyển mình thành một nền kinh tế định hướng thị trường hơn. Thủ tục hành chính đã được sắp xếp hợp lý. Các quy định khuôn khổ cho doanh nghiệp nhỏ đã được cải thiện.

Chỉ số tự do lao động (Labor Freedom) tăng 2,4 điểm. Thị trường lao động đã trở nên linh hoạt và năng động hơn. Người lao động Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh kỹ năng chuyên sâu, cải thiện khả năng ngoại ngữ để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh Việt Nam đang được nhận định là “công xưởng mới của Thế giới”.

 

Báo cáo Tự do Kinh tế 2019: Nỗ lực tự do hóa thương mại và môi trường đầu tư, thứ hạng của Việt Nam tăng 13 bậc - Ảnh 2.

 

Nhưng tự do tiền tệ (Monetary Freedom) lại rớt tới 6,5 điểm. Lý do là vì Chính phủ đã thắt chặt kiểm soát giá đối với du lịch hàng không, năng lượng, tiện ích, tài nguyên thiên nhiên, dược phẩm, giáo dục, y tế và nhà ở trong năm 2018 để chống lạm phát.

Giá trị kết hợp của xuất khẩu và nhập khẩu bằng 200,3% GDP, thuế nhập khẩu áp dụng trung bình là 2,9% đã khiến điểm tự do thương mại tăng 0,5. Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2018, theo WTO, Việt Nam đã có 80 quyết định miễn thuế nhập khẩu có hiệu lực.

Những quy định phức tạp trong đầu tư nước ngoài đã được nới lỏng, tăng 5 điểm cho Tự do đầu tư.

Nhà nước vẫn còn kiểm soát tài chính rất nhiều, mới chỉ có khoảng khoảng 30% người Việt sử dụng các dịch vụ ngân hàng chính thức nên điểm số của Tự do tài chính chưa được cải thiện.

 

Báo cáo Tự do Kinh tế 2019: Nỗ lực tự do hóa thương mại và môi trường đầu tư, thứ hạng của Việt Nam tăng 13 bậc - Ảnh 3.

 

Quỹ Di sản cũng cho biết Việt Nam sẽ cần phải cải thiện rất nhiều về quyền sở hữu tư nhân và tập trung vào việc chi tiêu ngân sách hợp lý. Trong ba năm qua, chi tiêu chính phủ đã lên tới 29,4% GDP. Thâm hụt ngân sách đã ở mức trung bình 5,7% GDP. Nợ công tương đương với 58,2% GDP. Nếu không có các biện pháp phù hợp thì gánh nặng ngân sách và gánh nặng nợ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong khu vực ASEAN, về tổng thể chỉ có Malaysia và Singapore được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế tự do. Thái Lan, Indonesia và Philipines là tương đối tự do. Còn Việt Nam là gần như không tự do. Nhưng nếu nói về thương mại quốc tế và vấn đề thuế quan, Việt Nam vẫn duy trì được môi trường tự do hơn Thái Lan, Malaysia và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

 

 

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Theo Trí thức trẻ