Chuẩn mực kế toán tại Việt Nam đã ban hành cách nay cả chục năm và thiếu tới 17 chuẩn mực so với thông lệ quốc tế. Sự lạc hậu ấy được một vị lãnh đạo ngành tài chính ví như đem bản xét nghiệm máu của nhiều năm trước để đánh giá sức khỏe hiện tại.
Vì thế, vừa khó khăn cho công tác kế toán của doanh nghiệp (DN) và khiến báo cáo tài chính của DN hoặc không đầy đủ, hoặc không chính xác. Đơn cử như nhiều tài sản nhanh chóng lạc hậu do thay đổi công nghệ nhưng chưa được ghi nhận tổn thất. Việc này khiến tài sản bị đánh giá cao hơn giá trị có thể thu hồi làm giảm khả năng bảo toàn vốn.
Để phát triển kinh tế – xã hội bền vững thì yêu cầu minh bạch hóa, từng bước thực hiện chuẩn mực quốc tế với báo cáo tài chính là cần thiết để tạo ra môi trường kinh doanh công khai minh bạch, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với xu hướng toàn cầu hóa về hợp tác và phát triển kinh tế, kế toán không còn là vấn đề mang tính nội tại, riêng biệt của từng quốc gia.
Vì vậy, để phù hợp với yêu cầu đa dạng của doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư, các quốc gia thường cho phép các doanh nghiệp lựa chọn chuẩn mực kế toán quốc gia hoặc chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) khi lập và trình bày báo cáo tài chính.
Theo tài liệu thống kê của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), tính đến nay đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm tỷ lệ 93% các nước được IASB khảo sát) đã tuyên bố về việc cho phép áp dụng IFRS dưới các hình thức khác nhau.
Trong đó có 119/143 (chiếm tỷ lệ 83,2%) quốc gia và vùng lãnh thổ đã yêu cầu bắt buộc sử dụng các chuẩn mực của IFRS đối với tất cả hoặc hầu hết các đơn vị lợi ích công chúng trong nước. Ở châu Âu, 31 nước thành viên và 5 vùng lãnh thổ đã áp dụng toàn bộ IFRS. Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia chưa có tuyên bố về việc áp dụng IFRS.
Về cơ bản, việc áp dụng IFRS sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho mỗi quốc gia, cụ thể như sau: chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo để đưa ra các quyết định quản lý, điều hành và đầu tư.
Theo Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), việc áp dụng IFRS sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo để đưa ra các quyết định quản lý, điều hành và đầu tư.
Đồng thời, IFRS được thừa nhận và áp dụng rộng rãi sẽ giúp người sử dụng báo cáo tài chính có thể so sánh tình hình và kết quả tài chính của các doanh nghiệp giữa các quốc gia khác nhau một cách dễ dàng hơn. Báo cáo tài chính của các công ty được lập dựa trên cùng một hệ thống chuẩn mực nên giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế.
Áp dụng IFRS cũng sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, tài chính; tạo điều kiện cho việc xuất khẩu lao động có chuyên môn hoặc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài. Bên cạnh đó, việc áp dụng IFRS còn góp phần giúp Việt Nam sớm đạt được sự công nhận của các tổ chức quốc tế về nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đàm phán quốc tế về kinh tế, tài chính.
Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã thành lập ban chỉ đạo soạn thảo và ban biên tập đề án về lộ trình và kế hoạch thực hiện chuẩn mực kế toán quốc tế. Dự thảo đề án đã được tham vấn các tổ chức quốc tế, đã cơ bản thống nhất trong Bộ Tài chính vàđang làm thủ thục để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, đơn vị liên quan.
Theo kinh nghiệm quốc tế về lộ trình thực hiện, hiệu lực áp dụng chuẩn mực IFRS tại quốc gia mình là từ 2-3 năm sau khi công bố bản dịch chuẩn mực hoặc công bố lộ trình áp dụng IFRS để các DN tại quốc gia đó có thời gian chuẩn bị.
“Để phát triển kinh tế xã hội bền vững, bao trùm thì yêu cầu minh bạch hóa, từng bước thực hiện chuẩn mực quốc tế với báo cáo tài chính là cần thiết. Chính phủ cũng đã quyết năm 2019 Bộ Tài chính phải trình đề án thực hiện chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết.
TRẦN LÂM