Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR – Corporate Social Responsibility) đang là xu hướng phổ biến trên thế giới, trở thành một yêu cầu “mềm” đối với doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, vấn đề này vẫn còn khá mới mẻ và chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Hàng loạt vụ việc gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quyền lợi người lao động, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng đã và đang khiến cộng đồng bức xúc. Doanh nghiệp cần làm gì và làm như thế nào để tăng cường trách nhiệm xã hội?
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Theo Nhóm Phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng theo cách có lợi nhất cho cả doanh nghiệp lẫn xã hội.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là nghĩa vụ mà một doanh nghiệp và cá nhân liên quan phải thực hiện đối với xã hội nhằm đạt được nhiều nhất những tác động tích cực và giảm tối đa tác động tiêu cực đối với xã hội. Về cơ bản, trách nhiệm xã hội bao gồm những nghĩa vụ:
Thứ nhất, về kinh tế, bao gồm thỏa mãn nhu cầu xã hội, tăng thêm phúc lợi xã hội, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Thứ hai, về pháp lý, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý đối với các bên liên quan, bao gồm cổ đông, người tiêu dùng, gia đình của người lao động.
Thứ ba, về đạo đức, là những hành vi và hoạt động mà xã hội mong đợi ở doanh nghiệp, nhưng không được quy định trong hệ thống pháp luật.
Thứ tư, về tính nhân văn, doanh nghiệp cần thực hiện những hành vi thể hiện mong muốn đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
Như vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng, góp phần nâng cao, cải thiện và phát triển cuộc sống cộng đồng, mà gần nhất là địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động, đóng góp cho sự phát triển bền vững môi trường kinh tế, xã hội của quốc gia.
Trách nhiệm này thể hiện qua các chương trình xã hội – từ thiện thiết thực. Mặt khác, doanh nghiệp có trách nhiệm với cổ đông qua những ràng buộc, cam kết liên quan đến quyền và phạm vi sử dụng tài sản ủy thác, bảo đảm sự trung thực, minh bạch thông tin, trong phần lợi tức mà cổ đông được hưởng và tất nhiên không thể bỏ qua trách nhiệm với khách hàng và nhân viên.
Hơn 10 năm trước, người dân Na Uy đã tẩy chay, không sử dụng quả bóng bàn nhập khẩu từ Pakistan khi biết sản phẩm này được sản xuất bởi lao động trẻ em dưới 15 tuổi. Chuyện như vậy giờ không còn hiếm vì người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng và giá thành sản phẩm mà còn quan tâm đến cách thức tạo ra sản phẩm và trong quá trình đó, người lao động có bị bóc lột hay không.
Cần thấy rằng, trong thời đại hội nhập, quốc tế hóa hiện nay, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh là nguồn lực, nguồn vốn mới cho doanh nghiệp trong cạnh tranh quốc tế. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp giúp điều chỉnh hành vi của chủ thể kinh doanh, nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp, nhằm thu hút nguồn lao động giỏi và góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, trách nhiệm xã hội còn góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia, thông qua vai trò của chính phủ trong việc tạo ra môi trường pháp luật hoàn chỉnh, sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, cũng như cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Doanh nghiệp thu lợi nhuận nhờ xã hội nên đóng góp trở lại cho xã hội là điều nên làm. Doanh nghiệp chỉ phát triển khi có sự ủng hộ từ xã hội và để được như vậy, doanh nghiệp phải đem đến cho xã hội những giá trị hữu ích. Đây chính là “kế sách” phát triển bền vững đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.
Để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, có khá nhiều công cụ. Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có hơn 1.000 bộ quy tắc ứng xử thể hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp như SA 8000 – tiêu chuẩn lao động trong các nhà máy sản xuất, WRAP – trách nhiệm toàn cầu trong ngành sản xuất may mặc, FSC – bảo vệ rừng bền vững, ISO 14001- hệ thống quản lý môi trường trong doanh nghiệp, ISO 26000 – tiêu chuẩn CSR của Tổ chức Quốc tế về tiêu chuẩn hóa từ tháng 11/2010…
Việc thực hiện trách nhiệm xã hội +không chỉ giải quyết vấn đề trong ngắn hạn mà là một quá trình lâu dài với sự nỗ lực không ngừng. Trước hết, cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp, khởi đầu từ người đứng đầu và các nhà quản trị.
Bởi tầm nhìn và quyết định của họ có ảnh hưởng quyết định tới chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Tiếp đó, để triển khai thành công, xây dựng chiến lược dài hạn và hoàn thiện các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội với những bước đi thích hợp, là nhân tố quan trọng nhất.
Về phía Nhà nước, cần bổ sung và hoàn thiện khung pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, như hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, công nghệ sạch.
Nhà nước cũng cần hoàn thiện bộ máy, cơ chế thanh tra, kiểm tra, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội và đưa nội dung này vào chương trình đào tạo của các trường đại học.
MY NGÂN