Trước mắt, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) sẽ tiến hành đo lường thử nghiệm từ năm 2019, đo lường chính thức từ năm 2020 và các năm tiếp theo. 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện phạm vi, quy mô nền kinh tế.

5 nhóm hoạt động khu vực kinh tế chưa quan sát gồm: kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

 

 
 
 

Tổng cục Thống kê sẽ là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm nghiên cứu cơ sở lý luận đo lường và xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát và lựa chọn phương pháp đo lường, đảm bảo không bỏ sót, tính trùng. Trước mắt, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm đo lường thử nghiệm từ năm nay (2019), và đo lường chính thức từ năm 2020.

Các số liệu đo lường được từ các nền kinh tế ngầm sẽ được cập nhật vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác. Số liệu ước tính, sơ bộ, chính thức… sẽ lần lượt được công bố vào quý 1, quý 2, 6 tháng, quý 3, 9 tháng và cả năm theo Luật thống kê.

Phương pháp thống kê là thống kê trực tiếp, gián tiếp hoặc ước lượng bằng phương pháp lập mô hình kinh tế vĩ mô… để đo lường các hoạt động kinh tế khu vực chưa được quan sát.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách với các hoạt động triển khai thực hiện đề án này.

 
 

 

Nền kinh tế ngầm (Underground economy) đề cập đến các giao dịch hàng hóa hoặc dịch vụ không được báo cáo cho chính phủ và do đó vượt quá tầm với của người thu thuế và cơ quan quản lý.

Thuật ngữ này bao gồm các hoạt động bất hợp pháp hoặc các hoạt động hợp pháp thông thường được thực hiện mà không đảm bảo giấy phép cần thiết và thanh toán thuế.

Các hoạt động bất hợp pháp như buôn bán ma tuý, buôn lậu, đánh bạc bất hợp pháp, mại dâm, lừa đảo. Những hoạt động hợp pháp nhưng không báo cáo với cơ quan thuế, như kinh tế gia đình, bán rong, lao động tự do; hành vi thông đồng, móc ngoặc giữa người quản lý với người thừa hành để bớt xén tiền của, tài sản của nhà nước, lập quỹ đen, chia nhau, các hành vi hối lộ cá nhân hoặc tập thể.

 

 

 

Nguyễn Quân