Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – TS. Nguyễn Đình Cung, năm 2019 tốc độ tăng trưởng – kinh tế Việt Nam có thể cao hơn nếu gia tăng được tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển khu vực nông nghiệp và dịch vụ cùng thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh.
* Từ nền tảng của năm 2018, đang có nhiều kỳ vọng trong năm 2019 tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn. Ông nói gì về điều này?
– Tăng trưởng kinh tế của năm 2018 có những điểm khác biệt so với các năm trước. Năm 2018 đã đạt mức tăng trưởng 7,08%, là mức cao nhất kể từ 10 năm nay. Mức tăng trưởng này đi kèm với cách thức tăng trưởng bền vững hơn, chất lượng cao hơn, tạo kỳ vọng cho năm 2019 giữ được tăng trưởng ở mức cao.
Dù vậy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến sự thay đổi về cách thức tăng trưởng quan trọng hơn mức tăng trưởng.
Thứ nhất, mức tăng trưởng năm 2018 không dựa vào gia tăng tín dụng mà bắt đầu dựa nhiều hơn vào kinh tế tư nhân trong nước, vào những ngành nước ta có lợi thế, vào tăng năng suất và giảm chi phí cho doanh nghiệp do thực hiện những cải cách về môi trường kinh doanh.
Thứ hai, tăng trưởng đã dựa nhiều vào phần cung và các ngành nghề lợi thế như khu vực nông, lâm và ngư nghiệp, với sự đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, chất lượng sản phẩm được nâng cao và cách thức tổ chức sản xuất thay đổi. Tới đây, chắc chắn lợi thế của những ngành này sẽ tiếp tục được phát huy. Thêm nữa, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước chiếm tới 43% tổng đầu tư xã hội, cũng là mức cao nhất trừ trước đến nay.
Thứ ba, kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại lớn. Cán cân thương mại của Việt Nam năm 2018 đạt thặng dư 6,8 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần mức thặng dự năm 2017. Mức thặng dư thương mại này có ý nghĩa hơn nhờ sự đóng góp nhiều hơn của khu vực kinh tế trong nước.
Tôi nghĩ rằng, chính từ những khác biệt này, tăng trưởng kinh tế của nước ta đã có những thay đổi tích cực và khả năng chống đỡ của nền kinh tế đã được cải thiện hơn so với trước.
* Nhưng vẫn có những lo ngại cho tăng trưởng năm 2019 khi những đóng góp của khu vực FDI giảm đi?
– Nhiều người cho rằng Samsung đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tôi thì không nghĩ vậy. Đóng góp cho tăng trưởng cần nhìn từ phía cầu, trong đó có đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu trừ đi nhập khẩu. Nếu khu vực FDI đóng góp dương vào tăng trưởng GDP của nền kinh tế thì xuất khẩu phải lớn hơn nhập khẩu, nghĩa là có thặng dư như năm 2018.
Tuy nhiên, xét về cơ cấu, nếu như mấy năm trước thặng dư chủ yếu từ khu vực đầu tư nước ngoài thì mấy năm trở lại đây, thặng dư đóng góp của khu vực kinh tế trong nước đã gia tăng, với tốc độ xuất khẩu tăng mạnh, có những thời điểm cao hơn so với đầu tư nước ngoài.
Tới đây, nếu nước ta thực hiện tốt ba yếu tố là gia tăng được tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, gia tăng cải cách môi trường kinh doanh, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển khu vực nông nghiệp, đặc biệt là khu vực dịch vụ, thì theo tôi kinh tế Viêt Nam có thể gia tăng thêm tốc độ tăng trưởng.
* Như ông nói, cải cách môi trường kinh doanh đã là một trong những yếu tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong năm 2018, nhưng thực tế vẫn không như kỳ vọng.
– Cải cách môi trường kinh doanh năm 2018 đã tạo được sự khác biệt so với thời kỳ trước. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có 30% văn bản đã được bãi bỏ và một nửa số doanh nghiệp đánh giá là tích cực hơn so với trước, nhưng so với kỳ vọng bãi bỏ trên 50% điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, thì vẫn còn khoảng cách rất xa.
Những rào cản hiện nay cần nhiều cải cách và cần nhiều bên tham gia để cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành. Chính phủ cần yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo và gây sức ép đối với giám đốc các sở để họ gây sức ép và giám sát đối với cán bộ, nhân viên liên quan buộc phải thực hiện cải cách môi trường kinh doanh. Nhưng, với thực trạng hiện nay, sức ép hành chính là chưa đủ.
Cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp hãy vì lợi ích của chính mình mà tạo thêm sức ép cải cách, phản ánh đến các cơ quan hành chính các cấp những hành vi “làm khó” doanh nghiệp, đặc biệt là cán bộ, nhân viên hải quan để vòi vĩnh. Đặc biệt là phải tạo ra động lực để cho cán bộ thấy được lợi ích từ cải cách, hơn là tìm kiếm lợi ích bằng cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Thế nhưng, với thực trạng hiện nay, chưa thể kỳ vọng 100% thay đổi trên văn bản là có hiệu lực trên thực tế.
* Cảm ơn ông!
SONG ANH