Mùa đông là mùa dễ bị cảm cúm, có người khả năng đề kháng của cơ thể rất tốt, nhưng cũng có người lại rất dễ bị cảm lạnh. Cơ thể có chống lại được sự tấn công của bệnh tật hay không phụ thuộc vào hệ thống miễn dịch của bạn có đủ mạnh hay không. Vậy phải làm thế nào để nâng cao hệ miễn dịch? 6 cách sau đây sẽ giúp bạn nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
1. Ăn nhiều tỏi
Tỏi có chứa chất sát khuẩn và virus, allicin có trong tỏi sẽ ức chế phản ứng viêm trong cơ thể, giảm sự tổn thương đối với cơ thể do các gốc tự do, có lợi cho việc tăng hệ miễn dịch. Ngoài có thể nâng cao khả năng miễn dịch, thường xuyên ăn tỏi còn giúp phòng ngừa bệnh tim mạch.
Do chất allicin sẽ phát huy khi gặp nhiệt nên tốt nhất là nên ăn tỏi sau 10 – 15 phút băm nhỏ để chất alliin và enzym tác dụng với nhau, nâng cao giá trị dinh dưỡng của tỏi. Cần chú ý là tỏi có tác dụng kích thích nhất định đối với đường ruột, vì vậy người bị bệnh về đường ruột nên hạn chế ăn.
2. Phơi nắng nhiều
Theo một cuộc nghiên cứu khoa Y trường đại học Yale của Mỹ, thường xuyên phơi nắng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm virus cúm và những căn bệnh về đường hô hấp. Những người nghiên cứu cho rằng việc giữ mức vitamin D trong cơ thể cao có thể phòng ngừa được đau họng, cảm cúm, nghẹt mũi.v.v. Những ai sống ở nơi có đủ ánh nắng, thường xuyên phơi nắng sẽ ít mắc các bệnh cảm cúm.
Thông thường vào hai khoảng thời gian 9 giờ sáng và 4 giờ chiều trong ngày, tia cực tím trong ánh nắng khá thấp, vừa có thể thúc đẩy trao đổi chất, lại vừa tránh hại da. Mỗi lần phơi nắng không nên quá nửa giờ đồng hồ, phơi nắng xong nên làm nóng hai bàn tay để mát xa mặt, giúp giải tỏa mệt mỏi và an thần.
3. Ăn súp gà rau củ
Một nghiên cứu của khoa Y trường đại học Nebraska–Lincoln cho thấy, súp gà rau củ có công dụng kháng viêm, giúp loại bỏ viêm do cảm cúm. Còn có nghiên cứu chỉ ra rằng, súp gà có thể giảm đau do sưng cổ họng.
Súp gà nấu cùng hành tây, cần tây, khoai lang, cà rốt, củ cải trắng v.v đều rất tốt. Những ai chán ăn do bị cảm có thể ăn những món nước, dễ tiêu hóa như súp gà rau củ, súp bột mì, trứng hấp v.v để bổ sung năng lượng, nâng cao dinh dưỡng, giúp phục hồi khả năng miễn dịch.
4. Uống trà chiều
Tinh thần của chúng ta sẽ giảm dần sau 3 – 4 giờ chiều, lúc này uống trà hoặc cà phê, ăn một chút đồ ăn sẽ giúp bổ sung calo, làm giảm mệt mỏi, nâng cao hiệu suất làm việc, ngoài ra còn có thể giữ cho khả năng miễn dịch hoạt động hiệu quả.
Trong lá trà có chứa chất alkylamine giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng của hệ miễn dịch, ví dụ như trà bạc hà giúp tăng sự tỉnh táo, cải thiện tiêu hóa; trà hoa nhài có chứa nhiều chất chống oxy hóa, có thể nâng cao khả năng miễn dịch. Kết hợp cùng những món ăn vặt dinh dưỡng như hạt khô hoặc hoa quả còn có thể bổ sung nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
5. Tập thể dục hàng tuần
Theo báo cáo Thư viện y khoa quốc gia Mỹ, thể thao có lợi cho việc “làm sạch” vi khuẩn bên trong phổi, có thể khiến bạch cầu lưu thông nhanh hơn, nâng cao khả năng phát hiện bệnh của hệ miễn dịch.
Các hoạt động và rèn luyện thể thao trong cuộc sống thường ngày đều có thể làm tăng lượng cơ bắp của cơ thể, đảm bảo dinh dưỡng. Mỗi tuần nên luyện tập 5 ngày, mỗi lần từ 30 – 60 phút, đạp xe, yoga, bơi lội, đánh cầu lông, đi bộ 6000 bước trở lên đều là những môn thể thao rất tốt.
6. Ngủ đủ giấc
Tin rằng mọi người đều biết đến tác hại của việc thức khuya, nghiên cứu đã chỉ ra rằng thức khuya lâu ngày sẽ phá hủy hệ miễn dịch một cách nghiêm trọng, dẫn đến việc dễ bị cảm cúm.
Thức khuya sẽ tiêu hao tổ chức cơ bắp của cơ thể, ngồi lâu cũng sẽ dẫn đến tích trữ mỡ, sự thay đổi thành phần dinh dưỡng trong cơ thể này tuy tạm thời sẽ không có ảnh hưởng gì, nhưng lâu ngày thì sẽ làm giảm khả năng miễn dịch. Từ đó có thể gây ra những căn bệnh có liên quan đến sự suy giảm miễn dịch như nổi mề đay, zona…
Người trưởng thành nên ngủ khoảng 7 – 8 giờ đồng hồ mỗi ngày, người lớn tuổi không nên ngủ ít hơn 6 giờ.
Thanh Xuân