Để thành công với thương mại điện tử trong năm 2019 này, doanh nghiệp cần chú ý và tận dụng tốt 3 xu hướng dưới đây.
Enterpreneur dẫn số liệu thống kê và dự báo từ công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cho thấy, doanh số thương mại điện tử toàn cầu sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, đạt mức 3.453 tỷ USD trong năm 2019.
Cùng với sự tăng trưởng của doanh số ngành thương mại điện tử, người mua hàng online cũng ngày càng chịu chi hơn khi mua sắm, theo nghiên cứu của Ecommerce Foundation. Nếu vào năm 2014, con số trung bình dành cho việc mua sắm trên các trang thương mại điện tử là 1.228 USD/người/năm, thì tới năm 2017, nó đã tăng lên thành 1.425 USD, tăng 7,4% so với năm 2016.
Các điều kiện dường như đều đã đến lúc chín muồi với những thương hiệu được tin tùng trên thị trường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng, chỉ cần duy trì công việc kinh doanh như thường lệ là đã đủ. Và, có 3 xu hướng thương mại điện tử đáng chú ý trong năm 2019 mà các doanh nghiệp cần biết để có thể “đi tắt đón đầu”.
1. Mua hàng trực tiếp qua mạng xã hội
Một chiến lược marketing với thông điệp thu hút đến đâu đi nữa cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu những khách hàng mục tiêu của bạn không thể thấy chúng. Do đó, việc gặp gỡ, tương tác với khách hàng tại nơi mà họ dành phần lớn thời gian vô cùng quan trọng. Và, theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường GlobalWebIndex, nếu khách hàng của bạn online, thì 1/3 thời gian được họ dành cho mạng xã hội.
Không bán hàng trên mạng xã hội đồng nghĩa với việc tự mình đánh mất cơ hội lớn. Thế nên, phần lớn nền tảng mạng xã hội ngày nay đều tích hợp nút mua hàng trực tiếp, kể cả các ứng dụng như Instagram và Snapchat với tính năng tương tự, giúp chuyển khách hàng đến website, tối ưu hoá quy trình bán hàng.
Các thương hiệu bán lẻ, trong đó có cả giày thể thao Jordan, cũng từng nhiều lần tận dụng mạng xã hội để chia sẻ các sự kiện với mục đích bán hàng. Đơn cử, trong thời gian diễn ra trận NBA All-Star 2018, Jordan đã hợp tác với Snapchat mở bán độc quyền đôi sneaker Air Jordan III Tinker phiên bản đặc biệt dành cho những người hâm mộ sở hữu mã truy cập được chia sẻ trên mạng xã hội này. Kết quả, những đôi giày được bán hết sạch chỉ trong 23 phút.
2. Công nghệ VR/AR lên ngôi
Hiện tại, các loại hình công nghệ tạo ra môi trường giả lập như thực tế ảo (VR) hay thực tế ảo phức hợp (AR) vẫn chưa được đón nhận một cách rộng rãi. Tuy nhiên, cả AR lẫn VR đã và đang sở hữu những bước tiến nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, khi phần nào khắc phục hạn chế của quá trình mua sắm trực tuyến.
Với sự trợ giúp của VR/AR, người mua hàng không chỉ được xem hình ảnh, video mà còn có thể quan sát, “ướm thử” sản phẩm ở nhiều góc độ khác nhau, hay đặt chúng vào không gian thật để cân nhắc sự hài hòa, thẩm mỹ với đồ vật xung quanh. Do đó, VR/AR được kỳ vọng sẽ nâng cao trải nghiệm mua sắm và góp phần thay đổi hành vi của người dùng trong tương lai.
“AR và VR sẽ là tác nhân thay đổi toàn bộ ngành bán lẻ, y như cách mà Internet từng làm. Chỉ là lần này, mọi thứ sẽ diễn ra nhanh hơn mà thôi” – Michael Valdsgaard từ Inter IKEA Systems.
Và, dù có thể chưa phổ biến vào lúc này, song lợi thế cạnh tranh dành cho các hãng bán lẻ thành công tích hợp VR hay AR vào nền tảng thương mại điện tử của mình trong tương lai sẽ là rất lớn. Michael Valdsgaard – người lãnh đạo quá trình chuyển đổi số tại Inter IKEA Systems – chia sẻ: “Thực tế ảo phức hợp và thực tế ảo sẽ là tác nhân thay đổi toàn bộ ngành bán lẻ, y như cách mà Internet từng làm. Chỉ là lần này, mọi thứ sẽ diễn ra nhanh hơn mà thôi”.
3. Amazon – kênh quảng cáo mới
Sau 2 thập kỷ hình thành và phát triển, Amazon ngày nay đã trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới, và được hàng triệu người khắp 220 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu xem là website bán lẻ hàng đầu. Trong đó, một báo cáo cho biết, chỉ riêng tại thị trường Mỹ, gần 70% người mua hàng sẽ trực tiếp truy cập vào kênh bán lẻ này để tìm kiếm sản phẩm. Hơn nữa, thậm chí khi muốn mua hàng từ website khác, 80% vẫn đọc nhận xét và so sánh giá bán tại Amazon.
Do đó, việc sống cùng hay khai thác hiệu quả trang thương mại điện tử này là vô cùng thiết yếu. Theo Doug Anmuth – một nhà phân tích của JPMorgan, Amazon sở hữu vị thế tốt để trở thành một nền tảng quảng cáo số giàu tiềm năng, chỉ sau Google và Facebook, khi doanh thu quảng cáo vượt hơn 4,5 tỷ USD vào năm 2018.
Quy mô và dữ liệu của công ty này khiến nó trở thành một lựa chọn đáng cân nhắc dành cho quảng cáo thay vì Facebook hay Google. Facebook có thể biết nhiều về mối quan tâm của người dùng, còn Google có thể biết những gì họ tìm kiếm, song Amazon mới chính là bên sở hữu dữ liệu về những thứ mà họ thực sự mua.
Trevor George – nhà sáng lập, CEO của agency Blue Wheel Media – cho biết, cách duy nhất để những người bán hàng chiến thắng trên Amazon là thông qua quảng cáo. “Tương lai của Amazon nằm ở quảng cáo; và nếu một thương hiệu mong muốn kiếm tiền trên trang thương mại điện tử này ở thời điểm hiện tại hay trong tương lai, nó cần phải có khả năng vận dụng tốt nền tảng quảng cáo của Amazon”, George nói.
KHỞI VŨ